image banner
HUYỆN LANG CHÁNH - ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TRUYỀN THỐNG - VĂN HÓA, CƠ HỘI CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN.

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN Vị trí địa lý, địa hình

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/13d56d18ec4deeedANH%20DIA%20LY.jpg

Vị trí địa lý

Lang Chánh là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, nằm ở từ 20 o  đến 20 o 17" ''  vĩ Bắc và từ 104 o 57" ''  đến 105 o 18" ''  kinh Đông. Huyện Lang Chánh cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 101 km; phía Bắc giáp huyện Bá Thước và huyện Quan Sơn, phía Đông giáp huyện Ngọc Lặc, phía Nam giáp huyện Thường Xuân, phía Tây giáp huyện Quan Sơn và huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 58.631 ha, chiếm 5,26% diện tích tự nhiên của tỉnh Thanh Hóa.

Ở vị trí địa lý này, Lang Chánh có điều kiện giao lưu thuận lợi   với các địa phương khác trong tỉnh và cả nước thông qua Quốc lộ 15A và đường Hồ Chí Minh. Từ thị trấn Lang Chánh tới đường Hồ Chí Minh khoảng 17 km, về phía Đông Nam. Thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh, Lang Chánh kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với cảng biển và Khu Kinh tế Nghi Sơn và các vùng phát triển khác trong nước. Theo Quốc lộ 15A, Lang Chánh có thể giao lưu được với tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ. Thị trấn Lang Chánh chỉ cách Quốc lộ 217 khoảng 25 km về phía Bắc theo Quốc lộ 15A và 30 km theo tuyến đường thị trấn Lang Chánh - Lâm Phú - Trung Hạ (huyện Quan Sơn). Nhờ vậy, Lang Chánh còn có thể giao lưu   với nước bạn Lào và các huyện ở phía Bắc và phía Tây Thanh Hóa.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/745cd68dbddda16d00%20TC%20TRUNG%20TAM%20YEN%20THANG.jpg

Địa hình

Địa hình Lang Chánh thuộc loại đồi núi cao. Hơn một nửa diện tích tự nhiên của huyện có độ cao từ 500 - 600m. Đặc điểm này tuy có mang lại một số lợi ích, nhất là trong việc xây dựng các công trình cung cấp nước tự chảy, đỡ tốn năng lượng, nhưng nó lại gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, tăng chi phí xây dựng các công trình và tiềm ẩn nguy cơ trượt đất, lở đất, lũ ống, lũ quét… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Các dãy núi ở Lang Chánh đều là sự tiếp tục của các dãy núi chạy từ huyện Quan Sơn và từ Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, thấp dần về phía Đông Nam. Đây là nguyên nhân làm cho mạng lưới sông suối ở Lang Chánh chủ yếu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Địa hình Lang Chánh đa dạng, phức tạp với nhiều kiểu địa hình khác nhau nên cảnh quan Lang Chánh đa dạng, làm cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người có sự khác nhau tùy thuộc vào khu vực địa hình, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, vị trí địa lý, địa hình có nhiều điểm độc đáo như trên, làm cho vùng đất Lang Chánh trở thành điểm hẹn của các dòng người từ nhiều vùng miền khác nhau di cư đến, mang theo những sắc thái văn hóa, những kinh nghiệm sản xuất đa dạng hội tụ về đây khai phá, lập nghiệp, sinh sống và cùng giao lưu, hòa nhập. Tất cả những điều đó đã tạo nên nét độc đáo của văn hóa Lang Chánh và ngày nay, nó đang mở ra nhiều cơ hội cho huyện Lang Chánh khai thác những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/dd3bb7b2ebf120ddTU%20NHIEN.jpg

Điều kiện tự nhiên

Đất đai

Nhờ có sự tác động tổng hợp của các yếu tố: Đá mẹ, địa hình, khí hậu, sinh vật và cả sự tác động của con người mà Lang Chánh có nhiều loại đất khác nhau. Theo nghiên cứu của Viện Nông hóa thổ nhưỡng và Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thì huyện Lang Chánh có 11 loại đất khác nhau, được phân thành 3 nhóm (nhóm đất phù sa ven sông suối, nhóm đất feralit đồi núi và nhóm đất mùn trên núi).

Nhóm đất phù sa ven sông suối: chủ yếu chạy dọc các thung lũng sông Âm, sông Cảy, sông Sạo. Đặc điểm của loại đất này là tầng đất dày, thường xuyên được bổ sung một lớp đất phù sa vào mùa nước lũ, thành phần tầng đất không đồng nhất, phụ thuộc vào thời gian và lưu tốc của dòng chảy. Đất này tốt cả về lý tính lẫn hóa tính. Chúng rất thích hợp cho cây trồng lúa và rau màu.

Nhóm đất feralit đồi núi: gồm 8 loại (feralit màu nâu đỏ, feralit màu vàng đỏ, feralit màu đỏ vàng, feralit màu vàng nhạt trên đá macma axit; feralit màu vàng nhạt phát triển trên đá cát; feralit màu đỏ vàng; đất feralit xói mòn trơ sỏi đá). Tám loại đất này đều có những đặc điểm riêng, có thành phần, cấu tượng khác nhau nên thích hợp trồng các loại cây, như: cây công nghiệp lâu năm có rễ ăn sâu (cao su, chè, cây lâm nghiệp), trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp hằng năm.

Nhóm đất mùn trên núi: bao gồm ba loại (đất mùn vàng đỏ trên đá biến chất phân bố ở xã Lâm Phú; đất mùn vàng đỏ trên đá macma axit phân bố ở các xã Giao Thiện, Giao An, Trí Nang và đất mùn vàng đỏ trên đá cát phân bố ở các xã Yên Khương, Yên Thắng). Ba loại đất này đều hình thành do tác động của độ cao địa hình (trên 700m) đã dẫn đến sự giảm nhiệt độ đồng thời lại tăng lượng mưa gây khó khăn cho quá trình phong hóa, nhưng lại thuận lợi cho quá trình tích lũy mùn. Cây trồng chủ yếu là cây lâm nghiệp, rừng gỗ, luồng, rừng vầu, nứa, cây giang… Loại đất này chỉ nên sử dụng vào mục đích nông nghiệp ở mức độ hạn chế. Nếu những khu vực độ dốc thấp có thể khai thác để trồng dược liệu, rau, quả có nguồn gốc xứ lạnh.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/2c71eb761d1d634dSONG%20SUOI.jpg

Thủy văn

Lang Chánh có mạng lưới sông suối khá dày đặc. Tổng chiều dài của 3 sông chính (sông Âm, sông Cảy, sông Sạo) với các nhánh là gần 600 km. Phần lớn các sông trên địa phận huyện Lang Chánh đều ngắn và dốc, lòng sông hẹp, nước chảy xiết, lắm ghềnh thác, có tiềm năng về thủy điện. Hệ thống sông Âm (sông Um) có thể cho công suất lý thuyết là 30.020 kw. Bình quân trên 1 km chiều dài, sông Âm cho 3.578 kw điện.

Lang Chánh là vùng đất có lượng mưa khá lớn, nguồn nước ngầm khá phong phú, tổng lượng dòng chảy ngầm khoảng 0,22 tỷ m 3 . Hiện nay, nước ngầm ở Lang Chánh chủ yếu được nhân dân khai thác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Nhìn chung, hệ thống thủy văn của Lang Chánh có giá trị nhiều mặt: cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, tạo khả năng sản xuất nguồn năng lượng thủy điện. Đồng bào các dân tộc ở Lang Chánh còn sử dụng năng lượng nước để giã gạo, vận chuyển lâm thổ sản, là môi trường để nuôi cá bè, cá lồng và cung cấp một nguồn thủy sinh lớn cho con người. Một số bãi đất bằng ven sông còn được sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng của dân cư. Một số thác nước đẹp (điển hình là thác Ma Hao, thác Hón Lối) là tiềm năng để phát triển du lịch.

Khí hậu

Do sự tác động của các yếu tố: vị trí địa lý, quy mô địa giới, hoàn lưu gió mùa trong á địa ô gió mùa Trung - Ấn, sự tác động của hướng sơn văn và độ cao địa hình mà Lang Chánh có khí hậu nhiệt đới gió mùa với mùa đông lạnh, ít mưa, có sương giá, sương muối, mùa hè nóng, mưa nhiều, có gió tây khô nóng. Các hệ thống gió mùa tác động quanh năm tới vùng đất Lang Chánh. Nhiệt độ không khí trung bình năm dao động trong khoảng 22 đến 23 o C. Sự khác biệt về nhiệt độ không khí giữa các vùng trong toàn huyện không lớn, trừ vùng núi cao, nhưng lại rất khác nhau theo mùa và các tháng trong năm. Lượng mưa trung bình phổ biến là 2.000 đến 2.200mm. Cá biệt có khu vực trên 2.400mm (sườn đông của dãy Pù Rinh). Lang Chánh là trung tâm mưa lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Mùa mưa nhiều kéo dài tới 5 đến 7 tháng và chiếm trên 80% tổng lượng mưa cả năm. Lang Chánh có mùa khô gay gắt như nhiều địa phương khác. Bão đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa nói chung và ảnh hưởng đến Lang Chánh nói riêng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10, cao điểm là tháng 9. Trung bình, hằng năm có 3,11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Lang Chánh.

Trung bình hằng năm ở Lang Chánh có 53 - 55 ngày có dông, các tháng mùa hè có thể có tới 10 - 15 ngày có dông. Số ngày mưa phùn nhiều nhất vào các tháng 2 và tháng 3. Sương muối thường xảy ra vào tháng 12 và tháng 1. Trên các đỉnh núi cao trên 1.000m, có năm xuất hiện mưa tuyết và băng giá (năm 1973 tại Yên Khương, năm 2016 tại Lâm Phú và Trí Nang).

Những đặc điểm trên đây của khí hậu Lang Chánh tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống và sản xuất. Cho phép phát triển một nền nông, lâm nghiệp nhiệt đới với đa dạng cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và sản lượng trên một diện tích đất canh tác hạn chế ở một huyện miền núi.

Tuy nhiên, nóng ẩm cao cũng làm cho sâu bệnh, dịch bệnh phát triển mạnh, nông sản khó bảo quản sau khi thu hoạch. Cường độ của những trận mưa nhiệt đới mạnh, kéo dài và tập trung thúc đẩy quá trình xói mòn, rửa trôi diễn ra thường xuyên; các trận lũ ống, lũ quét gây thiệt hại cho sinh hoạt và sản xuất. Bởi vậy, cần phải làm tốt công tác dự báo thời tiết, xây dựng lịch sản xuất, bố trí cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý để tận dụng những yếu tố thuận lợi, hạn chế các tác động tiêu cực của khí hậu.

Khoáng sản

Với kiến trúc địa chất - kiến tạo tương đối phức tạp, nên trong lòng đất Lang Chánh có nhiều khoáng sản. Theo kết quả nghiên cứu và điều tra ban đầu cho thấy, Lang Chánh có một số khoáng sản như: Đất sét dùng để sản xuất gạch chịu lửa ở bản En (xã Trí Nang) và một số địa điểm khác; Đồng ở xã Trí Nang và xã Lâm Phú; Vàng sa khoáng có ở các xã Trí Nang, Yên Thắng, Lâm Phú; đá vôi làm xi măng, vật liệu xây dựng, làm đá trang trí có ở một số nơi trong huyện; Đá granite ở dãy núi Pù Rinh. Đây là loại đá có độ bóng cao, độ liên kết bền vững và có trữ lượng rất lớn cho phép khai thác được trong thời gian dài. Một trong số các mỏ granite đã được nghiên cứu và hình thành luận chứng kinh tế - kỹ thuật để khai thác, phân bố trên diện tích khoảng 0,5 km 2  với trữ lượng khoảng 660.000 m 3 .

Thực vật và động vật

Thực vật:   Do nằm ở vị trí trung gian giữa các các hệ thực vật Himalaya, Hoa Nam, Ấn Độ - Myanmar - Malaixia - Inđônêxia và sự tác động của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa trên nền thổ nhưỡng và địa hình khác nhau mà Lang Chánh có hệ thực vật rất phong phú. Ước lượng có thể tới 600 - 800 loài thực vật bậc cao, 200 loài cây thuốc tự nhiên và nhiều loài song, mây, cây lấy lá… Ngoài hệ thực vật tự nhiên, Lang Chánh cũng có hệ thực vật hình thành do tác động của con người, đó là hệ thống các rừng trồng (luồng, mỡ, bạch đàn, keo tai tượng) và cây trồng trong nông nghiệp, trong vườn, trong các trang trại, các khuôn viên cơ quan, công sở và ven đường giao thông.

Hiện nay, Lang Chánh có 50.632,58 ha rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích đất có rừng là 42.863,66 ha, trong đó: Diện tích rừng tự nhiên là 31.596,6 ha (14.114,94 ha rừng phòng hộ và 17.481,32 ha rừng sản xuất); diện tích rừng trồng là 11.266,06 ha (383,74 ha rừng phòng hộ và 10.882,32 ha rừng sản xuất). Rừng   ở Lang Chánh có nhiều loại gỗ quý: lim, lát, sến, táu, vàng tâm, pơ mu, sa mu, song, mây và nhiều loại lâm sản, dược liệu quý hiếm như: quế, trầm hương, sa nhân... Trong các loại rừng, nét nổi bật nhất của rừng Lang Chánh là cây luồng. Rừng luồng trồng phủ xanh đồi bãi với số lượng lớn, chất lượng tốt nên Lang Chánh một thời được phong là “Vua Luồng”. Rừng là nguồn lợi cơ bản lâu dài kết hợp với ruộng rẫy, chăn nuôi đã sớm tạo ra nền kinh tế nông - lâm nghiệp dồi dào, phong phú sản vật ở một huyện miền núi vùng cao Thanh Hóa.

Động vật:  Hệ động vật của Lang Chánh khá phong phú đa dạng, bao gồm  động vật trên cạn và dưới nước, động vật bản địa và động vật di cư đến, động vật tự nhiên lẫn động vật do con người tạo ra. Trong rừng có nhiều loại động vật, như: báo, gấu, sơn dương, hươu, nai, hoẵng, khỉ, vượn, chim, gà lôi, gà rừng... Các loài động vật ở Lang Chánh có giá trị nhiều mặt, như cung cấp thịt, dùng làm thuốc, làm đồ trang sức, làm cảnh và dùng để nghiên cứu khoa học, nhưng do săn bắt và khai phá rừng bừa bãi nên nhiều loại động vật, chim thú còn lại không đáng kể, thậm chí có những động thực vật quý hiếm gần như đã bị tuyệt chủng.

Quần cư động vật trên cạn, có bốn loại chính: quần cư động vật đồng ruộng và đồi thấp; quần cư động vật ở rừng tre, nứa, luồng, vầu, giang; quần cư động vật ở rừng cây bụi, trảng cỏ; quần cư động vật ở rừng gỗ và trảng cây; bao gồm các loài động vật, như: ếch, nhái, rắn, chim, gà rừng, lợn rừng, nhông xanh, trĩ, sóc, trăn, nai, hoẵng, trâu, bò… phân bố lồng ghép trong các quần cư trên là rất nhiều sâu bọ có hại, như: rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ, sâu xám, bọ giáp, sâu khoang, rệp,…

Quần cư động vật nước ngọt, gồm các giống thủy sinh, các loài cá (trắm, chép, trôi, diếc, cá quả, trê, rô phi…), cua đồng, lươn, ốc, ếch, tôm càng sông… Nhìn chung động vật ở Lang Chánh đang bị giảm sút nhanh cả về trữ lượng lẫn chủng loài. Nhiều động vật trước đây rất nhiều nhưng hiện nay không còn nữa hoặc còn số lượng rất ít, như: voi, hổ, bò tót, sư tử, tê giác một sừng, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, trâu rừng… do đó, cần có chiến lược bảo tồn và phát triển quỹ gen động vật quý hiếm.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/85d14d04a6ba30ad00BC.jpg

Dân cư

Từ thời xa xưa, Lang Chánh là vùng rừng núi đại ngàn, dân cư thưa thớt. Về thời nguyên thủy, hiện chưa có căn cứ gì để tìm hiểu về con người trên vùng đất Lang Chánh. Chỉ biết rằng những hang động trong các dãy núi đá vôi kề bên các thung lũng của huyện Lang Chánh thuộc hệ thống núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình và vùng đất thuộc huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa. Trong những hang động đó từng có dấu vết con người sống cách chúng ta ngày nay hàng vạn năm. Trong ký ức của người già truyền lại qua các thế hệ, người Thái, người Mường đã có mặt ở đây từ lúc ông bà còn lấy cây móc làm mai khai ruộng, rừng núi chưa có dấu chân người. Song cho đến bây giờ thật khó xác định những lớp người đầu tiên sinh sống ở đây họ là ai, từ đâu đến, thuộc ngữ hệ nào… Dựa vào những chứng cứ dân tộc học, khảo cổ học cùng những kết quả nghiên cứu, điền dã của các nhà khoa học, chúng ta có thể hình dung phác thảo diện mạo nguồn gốc dân cư của hai tộc người chủ yếu có mặt từ lâu đời trên vùng đất Lang Chánh là người Thái, người Mường. Người Kinh hiện diện ở vùng đất Lang Chánh từ khá lâu đời trong quá trình lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, họ chỉ thực sự hòa nhập vào cộng đồng dân cư Lang Chánh kể từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhất là sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954).

Hiện nay, dân số của Lang Chánh có 49.118 người, với chủ yếu là ba dân tộc anh em cùng chung sống là: Dân tộc Thái là 27.997 người (56,99%), dân tộc Mường là 16.700 (34%), dân tộc Kinh và các dân tộc khác là 4.421 (9,01%).

Dân tộc Thái: Người Thái ở Lang Chánh có một bộ phận đã định cư lâu đời, có nguồn gốc từ Tây Bắc xuống, từ Lào sang và sau này có cả một bộ phận người Mường, người Kinh nhập vào. Người Thái ở Lang Chánh tập trung chủ yếu ở các xã Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú, Trí Nang, Tam Văn, Tân Phúc (thuộc nhóm tự gọi là Tày). Trước đây, các mường của người Thái ở Lang Chánh là: mường Ngày, mường Đôn (nay thuộc xã Lâm Phú), mường Giao Lão (nay thuộc xã Giao An, Giao Thiện), mường Đeng (nay thuộc các xã Yên Khương, Yên Thắng), mường Bỏ (nay thuộc xã Trí Nang).

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/1443aefadad6dfedANH%202.jpg

Người Thái ở Lang Chánh vốn là dân nông nghiệp trồng lúa nước từ lâu đời, quen với phương thức sản xuất: chặn nước ăn cá, làm ruộng ăn cơm (Tắng chặng kin pá, phứa na kin kháu). Xa xưa, người Thái chỉ làm ruộng mỗi năm một vụ (từ tháng năm đến tháng mười), mà vẫn đủ lương thực để ăn quanh năm. Về sau, với nhu cầu lương thực tăng, người Thái đã làm ruộng mỗi năm hai vụ. Do diện tích đất bằng có thể khai hoang thành ruộng còn hạn chế và điều kiện thời tiết, khí hậu, thiên tai thất thường, sức người chưa thể chinh phục được, nên nghề làm nương rãy, phổ biến là phương pháp quảng canh và xen canh, du canh. Ngày nay, cũng như các dân tộc khác từ miền xuôi đến miền ngược, người Thái Lang Chánh đã biết áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.

Dân tộc Mường: Người Mường Lang Chánh hiện nay chủ yếu sinh sống tập trung ở các xã Giao An, Giao Thiện, Đồng Lương, Quang Hiến, Tân Phúc và Thị trấn Lang Chánh. Nguồn hợp thanh người Mường ở Lang Chánh gồm các bộ phận, có một bộ phận là cư dân bản địa, một bộ phận di cư từ Hòa Bình vào, một bộ phận người Kinh, người Thái tự nguyện gia nhập. Các mường của người Mường Lang Chánh là mường Chếnh (nay thuộc xã Quang Hiến), mường Khạt (nay thuộc xã Đồng Lương), mường Nang (nay thuộc xã Giao An).

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/3da4d1f465c89c4dANH%201.jpg

Kinh tế của người Mường là sản xuất nông nghiệp, chủ yếu làm ruộng nước và nương rẫy. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Mường còn đánh cá, săn bắn thú rừng và khai thác lâm sản. Khai thác nguồn lợi từ rừng có vai trò quan trọng đối với người Mường. Nguồn lâm sản trong hệ sinh thái rừng rất đa dạng, được người Mường khai thác bền vững. Khai thác các loại nguyên liệu: Gỗ, tre, luồng, nứa, vầu, song, mây... phục vụ các nhu cầu về làm nhà cửa, đan lát. Đối với người Mường, rừng là kho vàng, có thể mất mùa lúa nhưng không “mất mùa rừng”. Trong các bản Mường, phụ nữ có nghề dệt, kỹ thuật dệt cạp váy của người Mường tạo nên nhiều hoa văn truyền thống độc đáo. Phong tục, tập quán của người Mường phản ánh sinh động đời sống xã hội đa dạng của một tộc người như: Tục cầu vía lúa, tục hạ điền và thượng điền, tục cơm mới, tín ngưỡng có liên quan đến vật tổ, thần linh, thờ cây, thờ động vật, thờ các lực lượng tự nhiên, thờ thần rừng, thờ thần suối, thờ cúng tổ tiên; các lễ hội nông nghiệp, lễ hội văn hóa - xã hội đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải tỏa tâm linh, giao tiếp, hưởng thụ văn hóa, góp phần vào việc giáo dục lòng yêu nước, ý thức cộng đồng, đoàn kết dân tộc.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-18/f6e51b8ccbe7d06d03%20tc%20gh.jpg

Dân tộc Kinh: Người Kinh có mặt ở vùng đất Lang Chánh từ lâu đời trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, sự hiện diện của người Kinh chủ yếu là trong quá trình nhập cư từ các địa phương ở Bắc Bộ, Trung Bộ và một số huyện trong tỉnh Thanh Hóa. Quá trình nhập cư diễn ra chủ yếu vào thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954 đến nay. Do yêu cầu điều chỉnh sự phân bố dân cư và phát triển kinh tế miền núi, đồng bào và cán bộ người Kinh có mặt và định cư tại huyện Lang Chánh chủ yếu là ở Thị trấn, ven thị trấn, các trục đường giao thông.

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC HUYỆN LANG CHÁNH - THANH HÓA

Trưởng ban biên tập: Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh

Điện thoại:(02373)874.002; Fax: (02373)874.002; Email: langchanh@thanhhoa.gov.vn

Ghi rõ nguồn tin Thanh Hóa Portal hoặc http://langchanh.thanhhoa.gov.vn khi phát hành lại các thông tin từ Cổng thông tin điện tử.

Chung nhan Tin Nhiem Mang