Lang Chánh từ tiền sử đến thời dựng nước.
Giới thiệu chung về Lang Chánh
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, miền rừng núi hiểm trở nơi đây đã chứng kiến những cuộc chiến đấu anh dũng của nghĩa quân yêu nước chống lại thực dân Pháp. Nổi bật trong đó là phong trào Cần Vương chống Pháp do các chí sỹ yêu nước Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước lãnh đạo.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng bào các dân tộc Lang Chánh đã gắn bó máu thịt với Đảng, hòa vào dòng chảy phong trào đấu tranh cách mạng của cả tỉnh và cả nước. Mỗi vùng đất, tên làng, bản mường với các thế hệ người dân Lang Chánh qua các thời kỳ lịch sử đã gắn liền với những chiến công và góp phần to lớn vào sự nghiệp giữ nước, xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ngày 15 tháng 02 năm 1949, chi bộ cộng sản đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Lang Chánh sau này ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ và phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng bộ và Nhân dân Lang Chánh đã vượt qua hy sinh gian khổ, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với quân dân trong tỉnh, nhân dân Lang Chánh nô nức ra tiền tuyến, nhiều người đã lập được chiến công trên khắp các mặt trận. Hàng nghìn lượt người đi dân công, mở đường, tiếp đạn, tải lương phục vụ kháng chiến và dũng cảm chiến đấu, tiễu phỉ, trừ gian, không quản hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước.
Năm 1954, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành ở Miền Bắc. Cùng với nhân dân cả nước và nhân dân trong tỉnh, đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua lao động sản xuất, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện tích cực sức người, sức của với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều người con Lang Chánh đã chiến đấu dũng cảm, lập chiến công xuất sắc và không ít người đã anh dũng hy sinh góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới ánh sáng các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội lần thứ VI đến nay (Đại hội lần thứ XII), hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo đã thu được những thành tựu quan trọng. Mặc dù, tình hình thế giới có diễn biến phức tạp, các thế lực phản động, thù địch ra sức thực hiện âm mưu "Diễn biến hoà bình", tìm mọi thủ đoạn xảo quyệt và thâm độc nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức mới, đan xen vận hội, thời cơ mới, nhưng trong khó khăn, thử thách, cán bộ và đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh vẫn ngời sáng lòng trung thành đối với Đảng, kiên quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì và sáng tạo thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vùng đất Lang Chánh là một trong những địa bàn có lịch sử phát triển lâu đời, liên tục từ thời kỳ nguyên thủy cho đến thời kỳ văn minh, gắn liền với những dấu vết hoạt động của con người cổ xưa từ nền văn hóa Sơn Vi thời đá cũ cho đến thời đá mới và đặc biệt là thời kỳ hình thành nền văn minh dân tộc, đó là nền văn minh Đông Sơn - Văn minh sông Hồng, sông Mã, nền văn minh của các Vua Hùng dựng nước. Sau đó, cả dân tộc ta phải trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc để rồi đến thế kỷ X giành lại được quyền tự chủ. Trọn một nghìn năm dưới chế độ nhà nước phong kiến quân chủ Việt Nam qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn, nhân dân Lang Chánh cùng với cả nước lại trải qua gần những thời kỳ đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Lang Chánh từ tiền sử đến thời dựng nước:
Trong thời đại đồ đá, Lang Chánh chưa được nhắc đến với những phát hiện khảo cổ học cụ thể, song với môi trường sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú, chúng ta có thể khẳng định, cùng với Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc… Lang Chánh cũng là địa bàn đáp ứng đầy đủ các yếu tố tự nhiên để người nguyên thủy của các nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình… tồn tại, phát triển. Như vậy, cùng với nông nghiệp, chăn nuôi, hái lượm, săn bắt, đánh cá và một số nghề thủ công là những nghề phụ hết sức quan trọng của người Lang Chánh và người Thanh Hóa lúc bấy giờ. Về văn hóa vật chất và tinh thần của người Lang Chánh nói chung trong thời kỳ này đã có những thay đổi lớn. Nguồn thực phẩm chính là gạo và các loại rau, củ quả, hạt và các loài thủy sinh như cá, tôm tép, trai ốc nước ngọt. Thêm vào đó là nguồn thực phẩm từ chăn nuôi gia súc như trâu, bò, lợn, gà săn bắt mang lại và … Đời sống tinh thần trong cuộc sống thường ngày và nhất là trong những dịp lễ tết, hội hè, âm nhạc và múa hát hẳn đã không thể thiếu. Bộ gõ rộn ràng với âm thanh vang xa như trống đồng, chuông đồng, cồng chiêng cùng với tiết tấu sôi động của khèn bè, sênh, phách, có thể có những nhạc cụ bằng dây khác, đã làm nên những vũ điệu, nhạc cụ dân gian.
Lang Chánh trong thời kỳ Bắc thuộc:
Vùng đất Lang Chánh thời kỳ này nằm ở địa bàn huyện nào trong quận Cửu Chân lúc bấy giờ thì chưa thấy sử sách nào ghi chép cụ thể. Dựa vào những tài liệu thư tịch như "Tiền Hán thư", "Hậu Hán thư"… và trên cơ sở phân tích địa danh cho chúng ta bước đầu nhận diện vùng đất Lang Chánh trong thời kỳ này thuộc một phần đất của huyện Đô Lung và có thể cả một phần của huyện Vô Biên lúc bấy giờ (
nay thuộc vùng đất nào
). Trải qua hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, địa danh của xứ Thanh nói chung và miền đất Lang Chánh nói riêng cũng bao lần thay đổi theo những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Nhân dân Lang Chánh nói riêng và nhân dân Cửu Chân nói chung đã nổi lên chống lại ách đô hộ của bọn thống trị phương Bắc. Các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa ở Cửu Chân do Chu Đạt lãnh đạo, khởi nghĩa Bà Triệu, khởi nghĩa Lý Bí… đều được nhân dân Lang Chánh tham gia, ủng hộ, góp phần làm nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc.
Lang Chánh từ đầu thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV:
Đây là giai đoạn lịch sử thời kỳ đầu của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt kéo dài gần 5 thế kỷ (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV). Là thời kỳ gắn liền với các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ. Qua các nguồn tư liệu cho thấy tương đối đầy đủ diện mạo, diên cách của vùng đất Thanh Hóa trong thời kỳ này. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thấy sử sách ghi chép về tên địa danh Lang Chánh hay một tên cụ thể nào để chỉ về vùng đất này. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" chép "đời Trần gọi là Mường Một". Còn trong sách "Địa chí Thanh Hóa" tập I thì cho rằng thời Trần - Hồ thì "đời Trần gọi là Mường Một" thuộc huyện Nga Lạc, Châu Ái. Đến đây, có thể hình dung cụ thể hơn được vùng đất Lang Chánh trong thời kỳ này. Đó là vùng đất nối tiếp của dải đất Thọ Xuân, trực tiếp là Ngọc Lặc, vì trong thời kỳ đó chắc hẳn huyện Nga Lạc không chỉ bó hẹp một phần đất Thọ Xuân và huyện Ngọc Lặc hiện nay mà phải mở rộng hơn thế nữa. Do đó, một số tài liệu sử sách nhận định Lang Chánh thời Trần - Hồ thuộc huyện Nga Lạc là có cơ sở. Vì Lang Chánh thời bấy giờ không chỉ nằm trong địa bàn huyện Nga Lạc mà còn nằm cả trong một phần đất phía Tây, Tây Nam của huyện Lỗi Giang.
Lang Chánh từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII:
Sau 174 năm tồn tại và phát triển, nhà Trần đã đi vào con đường suy thoái và chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình. Lợi dụng tình hình đó, Hồ Quý Ly đã phế bỏ vua Trần và thiết lập triều đại mới. Triều Hồ, tồn tại chỉ vẻn vẹn 7 năm (1400 - 1407) sau đó đất nước ta lại rơi vào ách độ hộ và chịu sự thống trị tàn bạo của nhà Minh. Cùng với chính sách bóc lột nặng nề, nhà Minh còn dùng âm mưu thâm độc, bằng mọi thủ đoạn thủ tiêu nền văn hóa dân tộc. Về phương diện văn hóa, chúng ra sức vơ vét, tịch thu những tác phẩm văn học, sử học, y thuật… có từ trước của nhân dân ta đưa về Trung Quốc nhằm thủ tiêu nền văn hóa Đại Việt. Dưới ách đô hộ của nhà Minh, nhân dân ta nói chung, nhân dân Lang Chánh nói riêng đã luôn phát huy truyền thống quật cường của dân tộc, vùng lên đấu tranh chống đô hộ, tiêu biểu là Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cùng với rừng núi Chí Linh (dãy núi Pù Rinh ngày nay) và đồng bào các dân tộc ở địa bàn Lang Chánh đùm bọc lẫn nhau, đồng cam cộng khổ chiến đấu chống quân thù. Chí Linh - Lang Chánh trở thành hình tượng cao đẹp của tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên và lấy tên nước là Đại Việt, mở đầu cho triều đại nhà Lê (Hậu Lê) phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Trong thời kỳ này, ở Lang Chánh văn học dân gian đặc biệt phát triển mạnh mẽ, tập trung phản ánh, ngợi ca những sự tích, những nhân vật xung quanh Lê Lợi và nhân dân trong khởi nghĩa Lam Sơn nhằm tái hiện lại một thời kỳ lịch sử sống động và anh hùng của dân tộc. Đây cũng là thời kỳ các dân tộc ở Lang Chánh có điều kiện thuận lợi để khôi phục và phát triển nền văn hóa dân tộc. Người Thái tiếp tục giữ gìn chữ viết của dân tộc mình nên thuận lợi trong việc ghi chép về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán… Đời sống tinh thần cũng ngày càng khởi sắc, các lễ hội như lễ hội Kin Chiêng Bóoc Mạy của người Thái, lễ hội Pôồn Pôông của người Mường được tổ chức thường xuyên hơn, các làn điệu dân ca Khặp, Xường… ngày càng phong phú và đa dạng về thể loại. Tất cả những điều đó phản ánh một thời kỳ mà đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phát triển mạnh, đây chính là điều kiện thuận lợi, là hành trang để nhân dân Lang Chánh cùng nhân dân cả nước bước sang thời kỳ mới, đó là thời kỳ lịch sử cận hiện đại sau này.
Lang Chánh dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn:
Thế kỷ XVIII là thế kỷ của khởi nghĩa nông dân. Làn sóng khởi nghĩa lan rộng và dâng cao khắp Đàng Ngoài, rồi lan vào Đàng Trong, mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn (khởi đầu từ năm 1781). Sau khi lật đổ ách thống trị của họ Nguyễn, đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm, mùa hè năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy được lệnh tấn công ra phía Bắc giải phóng Thuận Hóa. Thành Phú Xuân bị hạ, nghĩa quân tiến ra sông Gianh. Tại đây, Nguyễn Huệ đã đưa ra một quyết định táo bạo, có ý nghĩa lịch sử, đó là lấy danh nghĩa "Phù Lê, diệt Trịnh" vượt sông Gianh cấp tốc hành quân ra Bắc đánh tan quân Trịnh, làm chủ Thăng Long, xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài gần hai thế kỷ. Ngay từ năm 1788, lợi dụng sự bất hòa trong anh em Tây Sơn, Nguyễn Ánh tăng cường tìm kiếm sự giúp đỡ của của người Pháp. Tháng 7 năm 1802, thành Thăng Long rơi vào tay Nguyễn Ánh. Chế độ quân chủ chuyên chế của triều Nguyễn được lập trên phạm vi cả nước. Gia Long lên ngôi đặt Thanh Hóa nội trấn có 4 phủ (Hà Trung, Thiệu Thiên, Tĩnh Gia và Thanh Đô), 16 huyện và 3 châu (Lương Chính, Tàm Quan và Quan Da). Dưới thời Nguyễn, việc giáo dục thi cử ở các dân tộc thiểu số ở những khu vực miền núi (trong đó có Lang Chánh) hết sức hạn chế. Các châu không có nhà học như dưới miền xuôi, không có quan huấn đạo, giáo thụ lo việc học hành. Song, trong nhân dân Mường, Thái vẫn có một tầng lớp Ậu, Mo làm nghề thầy cúng, chữa bệnh và các nghi lễ cộng đồng. Họ rất am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và là những người biết chữ. Chính họ là những người "Thầy" dạy chữ cho con em của họ. Chữ Thái của đồng bào Thái ở Lang Chánh nói riêng và Thanh Hóa nói chung tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay chủ yếu thông qua tầng lớp Mo, Ậu, Cúng này và còn giữ được nhiều giá trị cổ mang tính độc đáo.
Lang Chánh thời kỳ Pháp thuộc:
Trong thời kỳ Pháp thuộc, huyện Lang Chánh được gọi là Châu Lương Chính thuộc phủ Thọ Xuân. Năm 1903, châu Lương Chính được đổi tên thành Lương Chánh. Năm 1925, việc phân chia lại khu vực hành chính tỉnh Thanh Hóa gồm có 5 phủ, 9 huyện, 6 châu với 135 tổng trực thuộc các phủ, huyện, châu. Từ đây, châu Lương Chính đổi tên thành châu Lang Chánh, là một trong 6 châu của tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên đất nước ta, chúng thực thi chính sách áp bức bóc lột nhân dân ta vô cùng dã man, tàn bạo. Về mặt chính trị, chúng thực hiện chính sách chia để trị, chia nước ta thành ba kỳ (Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ), chia rẽ dân tộc, tôn giáo, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân để dễ bề cai trị. Thanh Hóa thuộc xứ Trung Kỳ nằm trong chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Bộ máy cai trị của nhà Nguyễn từ tỉnh đến huyện, xã thực chất là công cụ tay sai của thực dân Pháp. Nhân dân Thanh Hóa phải chịu cảnh một cổ hai tròng áp bức, một bên là thực dân Pháp, một bên là vua quan phong kiến nhà Nguyễn.
Về kinh tế
:
Thực dân Pháp thực hiện chính sách vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân công rẻ mạt, thu lợi nhuận tối đa. Chúng tước đoạt hàng vạn ha ruộng đất lập đồn điền, xây dựng các công trình quân sự, khai thác lâm sản, khoáng sản quý đưa về chính quốc và xuất khẩu. Chúng đã đặt ra hàng chục thứ thuế vô lý để vơ vét tiền của của nhân dân ta. Vô lý nhất là thuế thân đánh vào nam giới từ 18 tuổi trở lên, mỗi xuất thuế thân từ 3 - 3,5 đồng bạc Đông Dương (tương đương 3 tạ thóc). Chúng độc quyền xuất nhập khẩu, buôn bán muối, sản xuất rượu, hạn chế, phát triển công nghiệp, kìm hãm nền kinh tế tỉnh ta trong đói nghèo, lạc hậu.
Về văn hóa:
Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, vong bản, tự ty dân tộc để dễ bề cai trị. Toàn tỉnh chỉ có 1 trường trung học, một số trường tiểu học, 1 nhà thương và một số trạm xá khu vực phục vụ bọn quan lại và thực dân. Nhân dân Thanh Hóa hơn 90% mù chữ, ốm đau, bệnh tật không nơi chữa trị, chủ yếu là uống thuốc nam hoặc cúng bái... Trong khi đó chúng còn khuyến khích dân ta dùng rượu cồn, thuốc phiện, cờ bạc, đĩ điếm, mê tín dị đoan nhằm làm suy thoái giống nòi ta, kìm hãm đồng bào các dân tộc Thanh Hóa trong vòng tối tăm lạc hậu.
Tại các châu huyện miền núi Thanh Hóa, thực dân Pháp duy trì bộ máy cai trị của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn và tìm cách hợp pháp hóa bộ máy cai trị của bọn thổ ty, lang đạo sâu mọt và phản động. Chúng tuyên truyền rằng: đồng bào các dân tộc miền núi được phục vụ cho thổ ty, lang đạo là hạnh phúc. Vì lang đạo là “con trời”, là tầng lớp “thượng đẳng” được quyền "ăn trên ngồi chốc" mọi người, mặc sức áp bức, bóc lột nhân dân lao động. Việc duy trì chế độ nhà lang thực chất là duy trì chế độ áp bức bóc lột cực kỳ phản động và lạc hậu mà nhân loại đã đấu tranh xóa bỏ cách đây hàng trăm năm. Bên cạnh đó, thực dân Pháp đã đặt các tòa đại lý ở miền núi để câu thúc quản lý sử dụng hệ thống quan lại lang đạo, đồng thời tổ chức lực lượng trấn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân miền núi. Đứng đầu tòa đại lý là 1 viên đại lý người Pháp, các đội lính và đội ngũ cha cố gián điệp trá hình.
Cùng với thiết lập, củng cố bộ máy cai trị, thực dân Pháp ra sức tuyên truyền gieo rắc chủ nghĩa duy tâm thần bí lôi kéo nhân dân theo đạo. Đồng thời, khuyến khích đội ngũ thầy mo, thầy cúng, thầy phù thủy hoạt động, duy trì mê tín, dị đoan, tập tục, tập quán lạc hậu. Bọn chúng cố tình kích động hận thù giữa các dân tộc, chia rẽ lương - giáo, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng khuyến khích đồng bào các dân tộc nghiện hút thuốc phiện, rượu cồn, đĩ điếm... làm cho dân ta lâm vào tình trạng tối tăm lạc hậu và suy thoái. Trong khi đó, chúng chỉ xây dựng tại phố huyện một trường tiểu học gồm 3 lớp (từ lớp 1 đến lớp 3) chủ yếu là con của lang đạo giàu có được học. Mỗi mường chỉ có một vài người biết đọc, biết viết còn lại mù chữ. Đồng bào các dân tộc ốm đau không thuốc men chạy chữa, chủ yếu là uống lá rừng và cúng tế, vì vậy nhiều người bị chết oan uổng, tình trạng hữu sinh vô dưỡng phổ biến, trẻ em sinh ra thiếu sự chăm sóc khoa học nên tỷ lệ tử vong rất lớn, tuổi thọ bình quân rất thấp.
Là một châu giàu tài nguyên, nhưng nhân dân lao động sống trong đói rét tủi nhục. Bọn thổ ty, lang đạo đã dựa vào chính quyền thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột nhân dân một cách tàn nhẫn. Bọn chúng chiếm đoạt toàn bộ tài nguyên về rừng và sông suối, chiếm đoạt 2/3 thu nhập về nương rẫy, 1/3 sản lượng lúa nước.
Theo luật Mường, mỗi bản phải làm không công cho tạo mường 3 ha nương rẫy và phải cắt cử nhân công phục dịch gia đình tạo mường hàng ngày. Ruộng nước được chia làm 3 loại: Ruộng công, ruộng nhà Lang, ruộng của nhân dân. Bọn lang đạo chiếm hết ruộng công làm ruộng tư. Ruộng nhà Lang tốt tươi, màu mỡ do công sức của nhân dân cày cấy chăm bón. Ruộng của dân, phần lớn là cằn cỗi và ít ỏi, mỗi gia đình có diện tích cấy từ 50 - 60 bó mạ. Ruộng nhà Lang làm trước, ruộng nhà dân làm sau, vì vậy không kịp thời vụ nên năng suất thấp kém, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.
Cùng với thâu tóm ruộng đất, bọn thổ ty, lang đạo đã độc quyền về khai thác lâm sản và săn bắt thú. Bọn chúng đã làm chỗ dựa cho Tòa đại lý Pháp tổ chức kiểm kê tài nguyên rừng, lập danh mục các loại gỗ quý và tổ chức khai thác đưa về nước Pháp, vì vậy nhiều khu rừng không còn gỗ quý. Tất cả những gì đồng bào các dân tộc hái lượm, săn bắt được đều phải cống nạp cho bọn thổ ty, lang đạo 1/2 hoặc 1/3. Muốn vào rừng săn bắt, hái lượm phải xin phép thổ ty, lang đạo nếu không bị phạt tiền và bị đánh đập, hành hạ.
Hơn 80 năm đặt ách cai trị lên đất nước ta, bằng chính sách thâm độc, tàn bạo, thực dân Pháp đã thông qua bọn thổ ty, lang đạo áp bức, bóc lột đồng bào ta nói chung, đồng bào các dân tộc Lang Chánh nói riêng rất nặng nề. Chúng đã khai thác tài nguyên thiên nhiên, bóc lột thuế khóa, bóc lột nhân công rẻ mạt, dồn đồng bào các dân tộc Lang Chánh vào đói nghèo, tối tăm, lạc hậu. Trong suốt thời gian bị các thế lực phong kiến, thổ ty, lang đạo và thực dân Pháp đàn áp bóc lột, đồng bào các dân tộc Lang Chánh không sợ hy sinh gian khổ, hăng hái tham gia vào nghĩa quân của các lãnh tụ Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước vừa đào hào, đắp lũy xây dựng trận địa, vừa làm nơi dự trữ lương thực cho các nghĩa quân, vừa tham gia chiến đấu dũng cảm đánh thắng giặc Pháp nhiều trận lớn nhỏ...
Song do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan chưa chín muồi, chưa có một đường lối đúng đắn làm kim chỉ nam, thêm vào đó là điều kiện tự nhiên khó khăn, lực lượng xã hội chưa phát triển, đội ngũ những người đứng đầu thành phần phức tạp, không có kinh nghiệm; bên cạnh đó, chính sách thâm độc, hà khắc của thực dân Pháp và tay sai ngày một nặng nề, chúng nhấn chìm các cuộc đấu tranh của nhân dân trong bể máu vì thế phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Lang Chánh thường xuyên bùng lên, rồi lại bị chúng bao vây kìm kẹp không có lối thoát. Nhưng với truyền thống không chịu khuất phục trước ách áp bức, bóc lột của giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc Lang Chánh sẵn sàng đứng lên lật đổ chính quyền thực dân phong kiến khi có đường lối cách mạng đúng đắn soi đường.
Phần 2: Sẽ được tiếp tục cập nhật
Ngọc Thỏa Trung Tâm VHTT-TT&DL huyện